Nếu bạn là một người đang chơi đàn guitar, hay bất kỳ loại nhạc cụ nào khác, thì chắc hẳn chúng thực sự là một phần trong cuộc sống và là thứ nuôi dưỡng tâm hồn của bạn, đúng không? Nếu đúng như vậy thì việc dành ra một chút thời gian trong tuần để chăm sóc cho người bạn, người vợ của mình cũng không phải là một điều quá to tát nhỉ. Nhưng có một điều đáng tiếc là đang có rất nhiều bạn đang không biết cách để chăm sóc, vệ sinh cây đàn của mình, hoặc chỉ đơn thuần là… lười!?!
Các bạn không biết rằng với việc vệ sinh và chăm sóc cây đàn guitar thường xuyên sẽ kéo dài tuổi thọ của cây đàn, giúp bạn có cảm hứng chơi đàn guitar hơn, và đương nhiên, nhìn cũng sếch xy hơn, nhỉ? 😛 . Dành thời gian để vệ sinh đàn cũng sẽ giúp bạn có một vốn kiến thức kha khá về đàn guitar và tự học được cách sửa cây đàn của mình nữa đấy!
Những vật dụng cần thiết để vệ sinh đàn guitar
Những thứ bạn cần đó là:
- 2 miếng khăn mỏng. Bạn có thể tìm mua trên mạng loại khăn chuyên dùng để lau đàn guitar. Còn nếu tiết kiệm thì bạn cũng có thể dùng quần áo cũ cũng được, nhưng đừng ráp và dày quá nhé, dễ gây xước đàn.
- Một chai nước xịt bảo vệ gỗ. Guitar Station khuyến khích bạn nên mua 1 chai hiệu Pledge ở ngoài siêu thị, xài được rất lâu và hương chanh dễ chịu, gây khích thích 😛
- Nếu bạn có thể thì hãy ra tiệm đàn và mua 1 cái đồ “quay tay”, để xả dây nhanh và nhẹ nhàng hơn. Chứ xả dây mà bằng tay thì hơi… mỏi tay và đuối!
- Dầu chanh (để đánh bóng cần đàn, ngựa đàn,…). Bạn cũng có thể tìm mua ở những tiệm đàn lớn.
Bước 1. Gỡ dây đàn
Bạn hãy quay khóa theo chiều làm sao cho dây đàn lỏng dần. Hãy để ý kỹ chỗ này nhé, nếu bạn quay theo chiều thuận, nghĩa là dây đàn càng ngày càng căng lên thì chắc chắn dây đàn sẽ đứt đấy! Nếu như đó là dây mỏng thì không sao chứ lỡ là dây dày (cỡ dây 5,6) thì rất nguy hiểm đấy nhé!
Cũng cần lưu ý là phải quay đúng dây mình đang nhắm đến nhé! Có nhiều bạn thì đang nhắm đến dây 2 nhưng tay thì cứ quay dây 3, xong rồi tự hỏi “Quái! Sao mình quay mãi mà nó không xuống nhỉ!?!@x~”… Sau khi gỡ hết dây đàn xong thì bạn có thể vứt hết dây đi hoặc để dành để làm dây sơ cua, lỡ đang chơi có đứt dây đàn thì vẫn có dây để thay.
Sau khi tháo dây xong thì việc tiếp theo đó là rút chốt ghim ra khỏi lỗ. Việc này thường sẽ rất khó khăn và đau tay, vì chốt ghim thường được gắn rất chặt và không dễ dàng để lấy ra bằng tay. Chính vì thế, chiếc “quay tay” thần thánh sẽ giúp bạn dễ dàng hơn, bởi vì mỗi chiếc đều được thiết kế sẵn một lỗ để rút chốt ghim. Chỉ cần bạn để đúng tư thế như trong hình là sẽ rút ra dễ dàng.
Bước 2. Lau chùi đàn
Dùng chai nước xịt chuyên dụng cho gỗ – Pledge mà chúng tôi đã nêu ở trên, xịt đều lên thân của cây đàn. Nhớ là các bạn chỉ xịt một ít rồi lau (như lau kính) thôi nhé! Đừng xịt 1 lần hết cả chai, như vậy vừa dễ hư đàn mà vừa tốn tiền nữa!
Sau đó lấy một miếng khăn và lau toàn bộ cây đàn. Các vị trí cần lưu ý như sau: mặt đàn, lưng đàn, hông đàn, ngựa đàn, cần đàn, phím đàn, đầu đàn, khóa,… Để ý những ngách nhỏ mà bụi đất có thể bám vào, hãy “truy tìm và tiêu diệt” chúng!
Nếu khóa đàn của bạn quá rỉ sét, hãy xịt lên một ít và lau thật kỹ nhé! Đây là một trong những vị trí dễ bị rỉ sét nhất của cây đàn và cần bảo quản thường xuyên.
Bước 3. Đánh bóng cho cây đàn
Bạn dùng dầu chanh và chiếc khăn còn lại của mình để đánh bóng cho cần đàn và ngựa đàn. Lưu ý là cần đàn cũng là một trong những vị trí bẩn nhất, nhiều đất nhất trên cây đàn. Vì thế hãy lau thật kỹ ở bước 2, để đảm bảo là cần đàn khoàn toàn sạch và không còn vết bụi đất. Sau đó lau chùi thật nhẹ nhàng cần đàn và ngựa đàn bằng dầu chanh.
Sau khi đánh bóng cây đàn rồi, bạn hãy kiểm tra kỹ xem trên cây đàn có vị trí nào vị nứt hay bị bể mà trước giờ mình không biết hay không. Nếu có, hãy mang đàn ra tiệm để sửa ngay, nếu bạn không muốn nó bị nứt toác ra rộng hơn gấp mấy lần sau này.
Bước 4. Gắn dây và tune dây
Đầu tiên bạn sẽ cho đầu dây có vòng tròng vào trong lỗ cắm dây, rồi mới gắn chốt ghim vào và nhấn thật chặt. Nên nhớ: mỗi chốt ghim đều có một cái rãnh, và rãnh này phải đặt đè lên dây đàn, nếu không bạn sẽ không cách nào nhét chốt vào được, và có nguy cơ làm hư luôn chốt ghim đấy! Hãy cẩn thận ở bước này.
Sau khi đã gắn chốt ghim vào rồi thì việc tiếp theo là gắn dây vào phía đầu cần. Các bạn không nên chừa hết độ dài của dây, như vậy lúc quay dây sẽ rất lâu và dây sẽ chồng lên nhau trên khóa đàn, nhìn rất mất thẩm mỹ. Hãy luồn dây qua lỗ sao cho dây căng nhất, sau đó nới lỏng dần dần, khoảng 5cm, rồi vặn khóa. Phần dây còn dư thì bạn có thể dùng kềm để cắt, vừa gọn, đỡ mất công quay tay nhiều, lại có tính thẩm mỹ cao.
Việc cuối cùng cần làm nữa đó là tune dây và thưởng thức tiếng đàn mới toanh! Chắc chắn bạn sẽ cảm thấy mình chơi đàn hay hơn gấp bội khi cầm trên tay cây đàn sếch xy của mình đấy! Chúc bạn chơi đàn tốt và nhớ luôn bảo quản, vệ sinh đàn nhé!