Trong hai bài trước của seri chia sẻ kinh nghiệm và lời khuyên cho người mua guitar cũ tôi đã nói về kinh nghiệm khi lựa đàn guitar cũ được đóng trong nước cũng như kinh nghiệm khi mua guitar cũ thương hiệu nước ngoài. Trong bài cuối cùng của seri tôi sẽ nói về những vấn đề mà bạn cần lưu ý cũng như những câu hỏi bạn cần đặt ra khi mua một cây đàn guitar cũ.
- Kinh nghiệm và lời khuyên cho người mua đàn guitar cũ (phần 1)
- Kinh nghiệm và lời khuyên cho người mua đàn guitar cũ (phần 2)
Phần 3: Các vấn đề cần lưu ý
Hãy rủ ai đó có kinh nghiệm lựa đàn
Có một sự thật đó là người chơi đàn rất hay chưa chắc đã biết lựa đàn. Nếu có thể bạn hãy nhờ một ai đó có kinh nghiệm dắt đi mua, tránh các hình thức đi lựa đàn tập thể vì đa số những buổi lựa đàn đều chủ yếu là lựa đàn mới. Để lựa ra cây đàn ưng ý – nhất là đàn guitar cũ thì bạn nên dành nhiều thời gian một chút, thà bạn tốn thời gian một chút mà hài lòng với sự lựa chọn còn hơn là mua cây đàn khiến bạn không muốn đụng tới. Và nếu có thể thì đừng quên rủ một người có kinh nghiệm lựa đàn cùng.
Có nên tân trang ngoại hình cây guitar?
Nếu may mắn bạn có thể lựa ra được một cây đàn khá là mới thế nhưng đa số đàn guitar cũ sẽ không được bóng bẩy cho lắm… Nhiều cây đàn guitar cũ có âm rất hay và action cực chuẩn nhưng tiếc là ngoại hình quá xấu, vậy có nên mua về tân trang không? Lời khuyên của tôi dành cho bạn đó là nếu bạn đã quyết định chọn đàn cũ thì đừng quá quan trọng về ngoại hình, có nhiều thứ khác đáng quan tâm hơn – đặc biệt là tình trạng và kết cấu cây đàn. Việc sơn lại đàn sẽ ảnh hưởng tới chất âm cây đàn, tôi từng chơi một cây guitar YAMAHA cũ ban đầu âm rất hay nhưng sau khi sơn thì tiếng bí hẳn, không còn hay như cũ. May mắn là sau vài tuần thì âm cây đàn đã được cải thiển nhưng tôi không chắc là cây đàn ấy có hay bằng lúc chưa sơn lại hay không… Tôi không thể giải thích được điều này do đàn mới sơn thường chưa ổn định, sẽ mất chút thời gian để cây đàn cho ra âm thanh của nó nhưng bạn cũng nên hạn chế sơn đàn nếu không cần thiết.
Chế độ bảo hành rất quan trọng
Nếu bạn mua của người quen thì hãy hỏi xem trước kia họ từng mua cây đàn guitar cũ ấy ở đâu, liệu bây giờ cây đàn còn được bảo hành không? Còn nếu mua tại một shop bán guitar cũ thì bạn cần chắc chắn rằng họ sẽ chịu trách nhiệm nếu cây đàn gặp vấn đề gì. Nên chọn những shop uy tín sẵn sàng cho bạn đổi trả trong thời gian đầu. Như vậy thì khi lỡ mua đàn rồi mới phát hiện lỗi nghiêm trọng thì bạn có thể đề nghị đổi sang cây khác hoặc trả lại.
Bạn có sẵn sàng chơi một cây guitar không giống nguyên bản không?
Trừ trường hợp bạn là một người sưu tầm các dòng guitar thì việc một cây guitar cũ nước ngoài nhưng có vài chi tiết “Việt hóa” cũng không thành vấn đề. Ví dụ như khóa đàn chẳng hạn, rất nhiều cây guitar khi về nước bị hỏng nặng bộ khóa nên việc thay khóa là bắt buộc. Liệu bạn có sẵn sàng mua một cây guitar như vậy không. Với tôi thì điều đó có thể chấp nhận được, miễn là cây guitar đó còn chơi tốt và các chi tiết “VIệt hóa” không ảnh hưởng tới đàn là được!
Thay dây mới ngay sau khi mua đàn cũ
Bạn hãy thủ sẵn một bộ dây trong người, nếu quyết định mua đàn rồi thì đề nghị thay dây luôn cho cây guitar cũ ấy. Tại sao phải làm vậy? Vì như vậy bạn sẽ được kiểm tra lại toàn bộ từ trong ra ngoài cây đàn. Tôi từng gặp cây guitar classic bị vỡ mất bộ khóa sau khi thay dây nhưng rất may mắn là bộ khóa ấy không quá đặc biệt. Đàn guitar classic cũ của nước ngoài đôi khi có những bộ khóa rất đặc biệt. Khác với đàn acoustic khá dễ thay khóa thì đàn classic đôi khi sẽ có bộ khóa rất đặc biệt. Khi thay dây bạn cũng nên nhất ngựa đàn lên để xem bên dưới có “vật thể lạ” không. Nhiều cây đàn do lỡ mài ngựa quá tay nên được nhét thêm dây dư, chân nhang, v.v… xuống dưới ngựa. Điều này sẽ ảnh hưởng đến tiêng đàn đấy.
Lựa đàn nơi yên tĩnh
Không chỉ đàn guitar cũ mà khi bạn lựa bất cứ một cây guitar nào thì bạn cũng nên lựa chọn một nơi yên tĩnh để chọn đàn. Nếu được thử đàn trong phòng hơi kín chút thì tốt nhưng nếu không thì một nơi không quá ồn ào cũng được. Vì phải yên tĩnh bạn mới nghe được hết tiếng đàn, có vậy bạn mới biết cây đàn có bị rè đâu không. Một số người khuyên nên lựa nơi hơi ồn để coi tiếng có vang không. Theo tôi thì điều này không cần thiết vì bên cạnh độ vang thì chất âm cũng rất quan trọng. Tiếng to chưa chắc đã hay vậy nên các bạn đừng ham một cây đàn tiếng lớn nhưng không có độ chi tiết.
Hi vọng seri bài viết chia sẻ kinh nghiệm và hướng dẫn chọn đàn guitar cũ của tôi sẽ giúp bạn chọn được một cây đàn như y, chúc bạn may mắn tìm ra cây đàn dành riêng cho mình nhé! Hãy chia sẻ với chúng tôi hình ảnh cây guitar cũ của bạn thông qua fanpage https://www.facebook.com/guitarstation.vn nhé! Đừng quên chia sẻ câu chuyện của bạn với chúng tối nhé 🙂