Để có thể mua một cây đàn guitar ưng ý quả thực không phải là một điều dễ dàng chút nào. Thường thì những cây đàn khiến bạn “rung động” lại không hề rẻ chút nào vậy nên kiếm ra một cây đàn ngon lành mà giá rẻ thật sự là một bài toán khó. Nhưng nếu may mắn bạn có thể tìm thấy một cây đàn guitar cũ với giá phải chăng thì bạn sẽ tiết kiệm được một khoản tiền kha khá mà vẫn có đàn guitar tốt để chơi.
Trong seri bài viết này tôi sẽ chia sẻ những lời khuyên và kinh nghiệm cần thiết để bạn có thể chọn ra cho mình một cây guitar cũ phù hợp. Ở phần thứ nhất, tôi sẽ nói về việc chọn cho mình cây guitar cũ có xuất xứ trong nước – made in Vietnam. Ở phần thứ hai, tôi sẽ chia sẻ về cách chọn cho mình một cây guitar mang thương hiệu nước ngoài. Và ở phần thứ ba tôi sẽ chia sẻ về những điều cần cân nhắc khi mua đàn guitar cũ.
Lưu ý là seri này tôi sẽ nói về cách chọn mua guitar cũ chứ không phải chọn một cây guitar cũ tiếng hay nhé. Để chọn được cây guitar tiếng hay nữa thì còn rất nhiều điều để tìm hiểu. Chúng ta sẽ mặc định là bạn đã tìm được một cây đàn phù hợp với dòng nhạc bạn chơi và bạn rất thích âm thanh cây đàn đó nhưng bạn chưa biết có nên mua không nhé. À phải nói thêm là tôi chuyên về đàn thùng còn đàn điện thì trong khuôn khổ bài viết này là chưa đủ đâu nhé ^^
Kinh nghiệm và lời khuyên cho người mua đàn guitar cũ (phần 2)
Kinh nghiệm và lời khuyên cho người mua đàn guitar cũ (phần 3)
Phần 1: Cách chọn đàn guitar cũ Việt Nam
Nếu bạn định mua cây đàn guitar cũ made in Vietnam thì tin vui cho bạn là đa số đàn Việt Nam thường được làm bằng gỗ solid (nguyên miếng). Thường thì đàn cũ của Việt Nam có âm thanh rất ổn do là gỗ đã được chơi một thời gian đem lại độ ổn định cho âm thanh cây đàn. Thế nhưng nhược điểm lớn nhất của đàn Việt Nam đó là gỗ chưa được xử lý tốt dẫn đến sự biến dạng gỗ trong quá trình sử dụng.
Một cây đàn bị nứt thùng vẫn còn có thể sửa vì rất có thể chủ cũ của cây guitar cũ ấy đã lỡ tay làm đàn bị đập vào đâu đó quá mạnh. Bạn vẫn có thể đem cây đàn đó đi dán lại vết nứt đó, dù không thể làm mất đi hoàn toàn dấu vết nhưng ít nhất nhìn vào cũng đỡ xót. Thế nhưng đối với một cây đàn có gỗ bị lồi lõm (đàn Việt Nam rất hay bị) thì rất nguy hiểm, vì có thể gỗ của cây đàn này đã không được xử lý tốt dẫn đến việc đàn bị co giãn gỗ. Đối với đàn như vậy thì tốt nhất bạn nên chọn cây khác. Trường hợp cây đàn vừa nứt vừa lồi lõm thì nhiều khả năng là cây đàn đó gỗ xử lý quá tệ, biến dạng đến rách cả gỗ, tất nhiên là bạn sẽ không muốn mua một cây đàn như vậy rồi phải không nào?
Một vấn đề nữa rất đáng chú ý đối với đàn guitar cũ của Việt Nam đó là cần đàn bị cong. Đây là một lỗi khá phổ biến, ngay cả những cây đàn của thương hiệu lớn của nước ngoài chơi lâu vẫn phải căn chỉnh lại cần đàn. Điều bạn cần chắc chắn đó là nếu cần bị cong thì có chỉnh lại cho thẳng được không? Gần đây tôi đã thấy một số cây đàn trên thị trường có ty chỉnh cần giả. Nhìn bên ngoài vào bạn sẽ không thể biết được liệu cây guitar cũ đó đang sử dụng ty xịn hay giả. Bạn đừng ngại yêu cầu chỉnh ty thử, nếu cây đàn đang bị cong thì bạn yêu cầu chỉnh luôn tại chỗ, chỉnh xong xuôi rồi mới mua nhé.
Đối với cần đàn không có ty thì sao? Thì bạn cần đảm bảo chắc chắn rằng cần đàn bạn PHẢI THẲNG, nhiều cây đàn tuy không có ty nhưng lại có cần đàn thẳng tắp, đó là những cây đàn tốt thực sự do cần được làm rất chắc chắn, riêng đàn classic mà không có ty là điều rất bình thường. Bạn có thể kiểm tra bằng mắt, nó không cong thì là thằng thôi chứ sao ^^ Ngoài ra bạn có thể dùng cách khác đó là bấm dây đàn ở phím đầu và phím cuối nếu ở giữa (phím 8) thấy dây đàn hở ra một đoạn nhỏ (khoảng 1mm thôi) là ngon lành. Nếu tại phím 8 hở quá nhiều hoặc dây chạm sát vào phím thì có nghĩa là đàn đang bị cong, bạn không nên chọn những cây đàn như vậy nếu không có ty chỉnh vì dù bạn có ép cho cần đàn thẳng thì sau này rất có thể cây đàn guitar ấy lại cong trở lại.
Cần đàn nếu từng bị gãy cũng rất nguy hiểm, bạn cần kiểm tra thật kỹ xem cây đàn này trước kia đã từng bị từng được dán lại cần lần nào chưa. Cần đàn gãy sẽ ảnh hưởng tới độ bền sau này của cây đàn, sau khi chơi một thời gian cần đàn có thể bị nứt ra hoặc sẽ bị gãy khi bị tác động lực. Bạn cứ hình dung cần đàn giống như xương trên cơ thể người, nếu bạn từng gãy chân thì dù sau khi bó bột chân bạn liền lại nhưng chỗ từng gãy sẽ yếu hơn bình thường. Bạn cần đảm bảo cây đàn ấy đã được xử lý tốt, nếu bạn không có cơ sở để đảm bảo thì tốt nhất không nên mua cây đàn đó làm gì.
Nếu cây đàn guitar cũ bạn định mua có lắp sẵn EQ thì thật tuyệt, nhưng bạn cũng cẩn thận vì có thể do EQ hỏng rồi nên họ mới bán thì sao? Bạn hãy kiểm tra EQ thật cẩn thận bằng cách mở volume từ nhỏ lên lớn dần nhiều lần, kiểm tra TẤT CẢ CÁC NỐT trên đàn khi gắn EQ. Thử chỉnh bass, mid, treble v.v… để xem EQ còn hoạt động ổn định hết không. Nếu loại EQ có mic thu tiếng gõ thùng thì bạn thử bật mic lên đánh thử, tung hết các skill đập thùng, gõ thùng các kiểu con đà điểu xem được không. Hãy cẩn thận với EQ cho ra một tiếng nào đó quá lớn, ví dụ như EQ đó cho ra âm bass quá nhiều dù bạn đã chỉnh bass nhỏ hết mức thì khi đánh sẽ lùng bùng nghe rất nhức đầu! Trường hợp đó bạn nên bỏ qua cây đàn dù âm thanh mộc hay đến đâu.
Phím đàn rè cũng là một lỗi phổ biến khi mua đàn guitar cũ của Việt Nam (đàn mới còn bị nữa là). May mắn là lỗi này có thể khắc phục được. Bạn chỉ cần yêu cầu bên bán sửa hoặc đem ra một tiệm nào đó uy tín sửa là vấn đề sẽ được giải quyết. Trước đây tôi đừng mua lại một cây đàn âm thanh rất hay nhưng phím bị rè rất nhiều chỗ và cần đàn không thẳng. Quan trọng là tôi biết cây đàn ấy có thể sửa được nên vẫn mua, bạn cũng cần biết chắc rằng cây đàn guitar mình thích có thể chỉnh được! Tôi sẽ nói rõ hơn vấn đề này ở phần 3, những điều bạn cần biết, cần hỏi người bán hoặc người sửa.
Ngoài ra bạn cũng nên biết về gỗ để làm đàn guitar để định giá cây đàn một cách chính xác hơn, vấn đề này tôi xin để dành sang một seri bài khác. Chúc bạn chọn được một cây đàn thật ưng ý nhé!
Tôi có nhập khẩu gỗ Lipa (Basswood) chuyên sản xuất đàn. Cơ sở nào cần mua gỗ thì ủng hộ nhé!